Trong hoàn cảnh đại dịch Covid lần này ở nước ta, nhiều người gặp khó khăn nghiêm trọng về mặt tài chính và cần được giúp đỡ. Tất nhiên giúp được ai thì nên giúp trong khả năng có thể. Nhưng nếu như chính chúng ta cũng đang gặp khó khăn thì sao nhỉ? Chúng ta có thể dễ dàng từ chối người ngoài nhưng nếu những người nhờ giúp đỡ là những người thân trong gia đình mình thì sao? Sẽ rất khó để nói lời từ chối đúng không nào?
Mình đưa ra đề tài này vì mình nhận thấy có những trường hợp cần giúp đỡ thật sự, nhưng cũng có những trường hợp đang muốn trục lợi từ chúng ta, hoặc ỷ lại vào chúng ta, mà chúng ta thì không phải lúc nào cũng dư giả. Tất nhiên nếu có khả năng giúp được thì vẫn cứ nên giúp, ở đây mình đang đề cập tới vấn đề là bạn không muốn và ép buộc bản thân phải đồng ý giúp đỡ vì sợ mất thể diện, sợ ảnh hưởng tới mối quan hệ. Vậy nên phải đối phó với những tình huống này như thế nào?
Làm thế nào để thiết lập ranh giới tài chính trong gia đình của bạn.
Đối với nhiều người thì việc nói lời từ chối thật sự rất khó, đặc biệt khi người thân của bạn yêu cầu sự giúp đỡ về mặt tiền bạc. Vậy làm thế nào để thiết lập một ranh giới về tiền bạc mà vẫn giữ thể diện cho nhau? Có nhiều người đã từng dính líu tới vấn đề này cho biết rằng việc trộn lẫn tiền bạc và tình cảm sẽ gây ra những rắc rối về sau, đặc biệt là khi bạn muốn nói lời từ chối thì chắc chắn ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ này.
“Một vài người sẽ đi vay nợ để cho người thân mượn tiền, đây là một sai lầm nghiêm trọng. Bạn cần phải thiết lập ranh giới, phân định rõ phương thức giúp đỡ mà bạn có thể thực hiện được trong bất kỳ trường hợp nào. Điều này bao gồm cả anh chị em ruột, con cái, cha mẹ già – những người mà bạn thật sự rất khó để thiết lập ranh giới tài chính với họ.” Để thực hiện việc này bạn có thể xem xét những điều sau:

Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi này.
Giả sử những người này bị mất việc, bị bệnh, gặp tai nạn, hay cuộc hôn nhân gặp khủng hoảng. Hãy tự hỏi bản thân về tình trạng mà họ đang gặp phải để xem xét mức độ nghiêm trọng của sự việc, liệu đây có phải là một chuỗi dài của những ảnh hưởng về mặt tài chính không? Hoặc có lẽ việc làm này chỉ là giúp bảo vệ họ khỏi hậu quả tài chính mà do chính họ gây ra? Ví dụ như vay tiền để trả nợ cờ bạc, mua cổ phiếu, mua tiền ảo? Trong trường hợp này, nếu ngân hàng không thể giúp họ thì việc bạn giúp họ sẽ gây ra hậu quả gì cho bạn?
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi từ chối thì hãy tự hỏi bản thân tại sao lại ép buộc mình phải đồng ý? Hãy nên nghĩ rằng bạn không phải là vị cứu tinh tài chính của người khác. Hoặc tình huống tệ nhất sẽ không xảy ra với bạn nếu như bạn không tham gia vào việc này. Khi muốn từ chối yêu cầu hỗ trợ tài chính thì bạn không cần thiết phải giải thích hay biện minh làm gì, chỉ cần nói “không” là được. Có lẽ bạn cần phải luyện tập nhiều lần để cảm thấy thoải mái hơn.
Cảm giác tội lỗi nhất thời sẽ đánh tan nỗi uất hận lâu dài.
Phụ nữ thường cảm thấy tội lỗi khi phải nói lời từ chối yêu cầu giúp đỡ tài chính từ người thân trong gia đình. Nhưng hãy nhớ cho rằng, việc cảm thấy tội lỗi khi từ chối không phải là bạn đang làm điều gì đó không tốt, chỉ đơn giản là từ chối làm một việc khiến bạn không cảm thấy thoải mái.
Hãy nên biết rằng, cảm giác tội lỗi này chỉ tồn tại nhất thời, nhưng nếu bạn cho mượn mà không cảm thấy thoải mái, rồi sau đó có những phức tạp kéo theo thì việc này sẽ trở thành nỗi oán giận lâu dài và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Ví dụ như người mượn sau này không muốn trả cho bạn, hoặc buông lời oán trách khi bạn muốn đòi lại số tiền đã cho mượn.
Nhiều người đã phải đấu tranh rất nhiều khi muốn nói lời từ chối yêu cầu giúp đỡ tài chính vì không muốn người thân của mình nổi giận và làm tổn thương mối quan hệ. Nhưng sự tức giận này là phản ứng tự nhiên của việc thiết lập ranh giới tài chính. Bất cứ khi nào bạn muốn thiết lập một ranh giới lành mạnh đều sẽ khiến cho con người nổi giận, nhưng thay vì lo lắng về việc này thì hãy nên lo lắng về việc nhượng bộ một yêu cầu khiến bản thân mình khó chịu. Hãy nên nhớ rằng không có tình yêu hay sự chấp nhận, sự gắn kết nào có thể tồn tại bằng việc phụ thuộc vào khả năng cung cấp tài chính cho người khác, mối quan hệ này sẽ không bền vững theo thời gian, nó cũng sẽ tạo ra sự ỷ lại và bạn thì không thể gánh vác mãi trách nhiệm này được.