Phát triển bản thân để có sự nghiệp thành công – 02

môi trường làm việc
Please Share

Trong phần này chúng ta sẽ cùng phân tích những vấn đề xung quanh công việc, và những gì chúng ta cần làm, hay thay đổi để có được một sự nghiệp thành công.

Hầu hết những người đi làm như chúng ta đều ao ước được làm việc trong một môi trường làm việc thoải mái, lương tốt, sếp dễ thương, có cơ hội học hỏi và thăng tiến. Tuy nhiên không phải ai cũng gặp may mắn như vậy. Rất nhiều trường hợp trong chúng ta đã và đang làm một công việc mà bản thân không yêu thích, hoặc có yêu thích công việc nhưng môi trường làm việc không tốt, hoặc môi trường làm việc tốt nhưng lương thấp, hoặc sếp thấy ghét. Nhiều khi mình cảm thấy đi làm giống như chọn vợ hoặc chọn chồng vậy. Có nhiều người tuy không có tài năng gì nhiều nhưng được làm ở chỗ tốt, mọi thứ như ý. Trong khi đó có nhiều người tuy có tài nhưng lại vất vả trong công việc. Cho nên nếu nói lấy chồng hay lấy vợ cần sự may  mắn thì đi làm cũng cần có may mắn rất nhiều. Vì không lập gia đình cũng không sao, nhưng không có công việc tốt thì cầm chắc là…..mo.

Quá trình đi làm của mình cũng trải qua nhiều vất vả cho nên mình cũng hiểu được nhiều môi trường làm việc khác nhau, trong số đó có công ty lớn, công ty nhỏ, công ty gia đình. Mình sợ nhất là các công ty dạng gia đình trị. Nhân viên hầu như không có tiếng nói hay quyền lợi, đôi khi sếp coi nhân viên như con ở, bắt sai làm nhiều thứ việc không liên quan. Hoặc người thân của sếp suốt ngày lải nhải những việc không đâu làm nhức cả đầu. Lương ở những nơi này thường bèo bọt, nhưng tâm lý của sếp thì cứ như là mình đang ban ơn cho nhân viên.

Một số công ty khác thì cấm nhân viên xài internet, họ sợ nhân viên lên mạng chơi mà không làm việc. Điều này đúng, nhưng không phải tất cả. Mình từng làm cho một công ty của Đài Loan, sếp cấm nhân viên vào mạng, không cho nghe nhạc, dù là nghe bằng tai nghe, nhân viên lúc làm việc cũng không được nói chuyện hay giỡn gì nhiều. Tâm lý lúc mình làm việc ở đó thấy khá ngột ngạt và chán. Một số công ty cho phép xài internet thì mình lại cảm thấy thoải mái hơn, dù rằng áp lực công việc nhiều hơn nhưng đỡ bị cảm giác chán nản xâm chiếm. Mình không biết các bạn cảm thấy thế nào chứ cá nhân mình nhận định. Những công ty mà cấm nhân viên vào mạng là một thất sách. Vì việc nhân viên vào mạng chỉ là một hình thức giải trí chút đỉnh trong quá trình làm việc để cho bớt căng thẳng, và nhiều lúc cũng cần tìm kiếm thông tin để hỗ trợ cho công việc. Chúng ta đi làm việc chứ không phải bị cầm tù, nên chỉ có tâm lý thoải mái thì làm việc mới hiệu quả. Tất nhiên không loại trừ một số nhân viên lợi dụng việc công ty cho sử dụng mạng để lên mạng chơi nhiều hơn làm, rồi đùn đẩy công việc của mình cho người khác. Tuy nhiên con số đó ít, và phần lớn là do các sếp không biết cách quản lý hay tuyển dụng sai người, chứ không liên quan gì đến việc sử dụng mạng.

Một số công ty thì khi sếp xuất hiện là toàn bộ nhân viên câm như hến. Không khí làm việc căng thẳng hẳn lên, nhưng khi không có sếp thì mọi người rất vui vẻ. Có lẽ các sếp cho rằng cần phải tạo ra một bầu không khí làm việc cho có vẻ chuyên nghiệp, nhưng họ không thấy được rằng chính cái bầu không khí làm việc như vậy sẽ làm giảm hiệu suất làm việc. Nhân viên làm việc vui vẻ, vừa làm vừa trò chuyện với nhau không có nghĩa là làm việc không hiệu quả. Vì thật ra mà nói, khi chúng ta được trả lương cao, phúc lợi tốt, có cơ hội học hỏi và thăng tiến thì tự nhiên chúng ta phải bò ra mà làm việc. Chẳng ai dại gì làm việc cà chớn cả. Cho nên việc các sếp cấm sử dụng internet, nghe nhạc hay trò chuyện với nhau là một cách làm sai lầm. Nó chỉ tạo cảm giác chán nản và làm giảm hiệu suất làm việc mà thôi. Chúng ta là con người, chúng ta cũng cần nhu cầu giao tiếp và giải trí tối thiểu. Mình thấy những công ty có thể để cho nhân viên làm việc thoải mái thường là những công ty làm về truyền thông hoặc thiết kế.

Biến môi trường làm việc thành một trò chơi: Đây là một xu thế mới mà một số công ty áp dụng. Ví dụ như họ khuyến khích nhân viên kiếm điểm bằng cách đăng chủ đề mới để cho mọi người cùng thảo luận hoặc trả lời bài đăng của các đồng nghiệp. Việc này giúp tăng mức độ sáng tạo và tính tương tác của công ty lên. Ngoài ra họ cũng khuyến khích nhân viên chia sẻ bài đăng, bài thông báo hoặc tài liệu thông qua tài khoản trên mạng xã hội của nhân viên.Các nhân viên sẽ kiếm điểm nhờ lượt click và được chuyển đổi thành giải thưởng hoặc một bữa ăn trưa. Một công ty đã áp dụng hình thức này thành công là công ty Blue Wolf Consulting. Tỷ lệ khách ghé thăm trang web của họ đã tăng 45%, lượt khách ghé thăm blog do các nhân viên hợp tác đăng đã tăng 80%.

Một môi trường làm việc hợp tác: Ngày nay có nhiều công ty thiết kế môi trường làm việc thoải mái. Các công ty cho phép nhân viên có quyền chọn bất cứ bàn làm việc nào mà họ cảm thấy thoải mái, và có quyền thay đổi bất cứ lúc nào. Một số công ty sử dụng văn phòng ảo (nhân viên làm việc tại nhà), hoặc khuyến khích nhân viên sử dụng mạng xã hội, diễn đàn, blog để kết nối với nhau. Mục đích là để tăng tính tương tác giữa các nhân viên với nhau. Tuy nhiên các công ty ở Việt Nam hay châu Á mình thì còn lâu mới có thể có được môi trường làm việc thoải mái như vậy, bởi vì bản thân người châu Á chúng ta cũng còn bảo thủ trong nhận thức rất nhiều.

Chúng ta sẽ có ảnh hưởng tích cực đến các thế hệ cũ: Chúng ta là những Millennials – đây là từ dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 2000. Những thế hệ đầu tiên được tiếp cận với truyền thông như diễn đàn, blog, mạng xã hội ….. Chúng ta cũng là lực lượng lao động chính trong xã hội hiện tại. Với một tư duy cởi mở và được tiếp thu nhiều kiến thức đa chiều nhờ vào internet và mạng xã hội. Chúng ta đã gây một sức ảnh hưởng nhất định đối với những người thuộc tầng lớp cũ. Chúng ta cũng thay đổi nhận thức về thương hiệu và những gì chúng ta mong đợi từ thương hiệu, dịch vụ và trải nghiệm. Bởi vì chúng ta muốn trở thành một phần của thương hiệu, quá trình sản xuất và tương tác trực tuyến.

Chúng ta sẽ thay đổi cách thức được đề bạt: Thông thường chúng ta phải làm việc trong công ty một thời gian rồi mới được đề bạt lên một chức vụ khác. Nhưng nhiều người trong chúng ta không muốn phải chờ đợi lâu như vậy. Chúng ta tin rằng việc đề bạt nên được thực hiện dựa vào thành tích hơn là tuổi tác và số năm kinh nghiệm. Do đó chúng ta chúng ta sẽ phải làm việc vất vả nhiều để tạo ra giá trị cho công ty và nhóm của chúng ta. Đó là lý do tại sao mà thế hệ của chúng ta không thích làm việc trong môi trường nhà nước theo kiểu dựa bệ ăn lương. Mình cũng đã từng làm việc trong môi trường gần như của nhà nước, và mình hiểu được một phần lý do tại sao nhà nước mình không phát triển nổi. Lương thưởng thì bèo bọt, công việc thì nhàm chán. Nhân viên hầu như làm việc chỉ vì sự ổn định chứ không phải vì yêu nghề.

Bằng việc hiểu những tác động của thế hệ chúng ta đối với xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, nó sẽ giúp cho chúng ta có sự chuẩn bị tốt để trở thành người lãnh đạo ở công ty. Đồng thời phát triển sự tự tin, gây được sự chú ý của mọi người đối với năng lực và ý tưởng của chúng ta, nó sẽ hữu ích cho việc phát triển sự nghiệp của chúng ta sau này.

Ở phần sau chúng ta sẽ cùng nói về kỹ năng cứng nha các bạn. Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy được nhiều điều bổ ích qua loạt bài này.

Please Share

Leave a Reply